CHÁO DỰNG BÒ TƠ CỦ CHI

265.000

Mô tả

Mỗi một vùng miền đều có những món ăn ngon đặc thù với khí đất khí trời, đặc trưng cho từng vùng. Đối với miền đất Củ Chi thì món cháo dựng bò tơ Củ Chi nóng hổi thơm ngon là một điển hình không thể thiếu… 

Cháo dựng bò Củ Chi được đánh giá là có mùi vị rất thơm ngon và lạ, lại có nhiều dinh dưỡng. Đã ăn một lần rồi thì khó mà quên được mùi vị của nó. Nếm cái vị đã lạ rồi nhưng nhiều người hẳn vẫn thắc mắc, tại sao lại gọi: cháo “dựng” bò. Tìm hiểu kỹ ra thì phải đâu xa lạ, ẩm thực Việt xưa vốn luôn gọi tên món ăn theo những hình ảnh gần gũi giản dị, mang đậm nét vùng miền. Thử một miếng thì nhớ cách gọi tên, tới miếng thứ hai đã đem lòng luyến lưu mảnh đất lạ. Theo cách gọi của người dân miền Nam, “dựng” bò là phần từ đầu gối con bò trở xuống, bao gồm xương bò, móng bò và cù ngằng – là phần xương có nhiều da, nhiều gân và ít thịt ở các khớp nối của xương chân. Người đầu bếp tài hoa sẽ chọn được những phần cù ngằng tươi ngon nhất, nhiều gân mà lại ít mỡ, nấu lên ăn sừn sựt, ngọt miệng, vui tai.

cháo bò dựng củ chi - chăn nuôi

Nguyên liệu làm món cháo dựng bò cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần một ít gạo, nắm đậu xanh, củ khoai mì cùng ít nghệ tươi giã nhỏ lấy nước, và quan trọng nhất là những phần xương bò, dựng bò ngon lấy từ những con bò sữa được chăm sóc cẩn thận trên thảm cỏ xanh mướt của vùng đất Củ Chi. Vậy là đã gần xong nồi cháo bò dựng. Tuy nhiên, các bà nội trợ khéo tay hãy khoan vội tâm đắc, bởi nghe qua đơn giản là thế, vẫn là chỉ là nấu một nồi cháo xương bò như bao lần khác vậy, nhưng gia giảm nguyên liệu như thế nào, nêm nếm ra sao, cho thành phần nào trước, thành phần nào sau để ra đúng cái vị cháo bò dựng Củ Chi thì e rằng không phải dễ.

Cháo sẽ được nấu cùng với “dựng”, đuôi và gân của con bò tơ. Đầu tiên, bò được thui qua trên lửa. Khi thui, phải canh đúng độ lửa, sao cho lớp da dày vàng ươm thì thịt mới săn giòn nhưng không cứng hay quá dai. Tiếp đến, phải xào sơ dựng bò với gia vị và nước dừa tươi cho thấm ngọt và khử hết mùi bùn đất. Cuối cùng, tất cả sẽ được hầm chung với trái đu đủ non nguyên vỏ cùng với củ mì. Điều đặc biệt ít ai biết là mủ của trái đu đủ non vừa hái từ trên cây xuống có tác dụng rút hết mỡ bò vào trong, khiến miếng đu đủ trở nên ngọt đậm đà, cộng thêm vị bùi bùi, bột bột của củ mì, hòa chung với sự đậm đà thanh ngọt từ nước hầm xương sóng sánh lớp mỡ vàng ươm của đuôi, dựng, gân bò tạo nên món cháo thơm lừng nóng hổi, vừa thổi vừa húp xì xụp ấn tượng đến khó tả.

Nhiều người ví von, món ăn như một “bản hòa tấu” ngọt thơm của bàn tay con người và sản vật thiên nhiên nơi đây. Từng hạt gạo được rang đủ độ, quyện cùng đậu xanh, đậu trắng, có thể thêm khoai môn sọ và không thể thiếu đu đủ xanh và đặc biệt là củ khoai mì – loại củ đặc trưng của vùng đất thép. Để rồi mới biết, hóa ra, những thứ rau củ quen thuộc đó, khi khéo léo kết hợp lại cho ra nhiều món ăn ngon lạ lùng.

Món này để nấu thì thật kỳ công, mà đã nấu là phải một nồi lớn mới bõ công người nấu. Người miền Nam thường dùng lót dạ bữa sáng cho cả gia đình, hay cho các ông, các chú nhậu lai rai đều rất ngon miệng. Húp một muỗng cháo, người ăn tìm được cái giòn giòn của miếng dựng bò, cắn thêm chút ớt cay rồi ít ngọn rau thơm nữa, thì lại càng khoái khẩu.

Giữa tiết trời se lạnh, được ngồi trên những chiếc ghế gỗ thô sơ mộc mạc, nhìn ra đồng cỏ xanh rờn ngắm thấp thoáng những chú bê con chạy lon ton theo chân mẹ gặm cỏ và thưởng thức món cháo bò dựng ngọt lịm, nghi ngút khói mà lòng lại bồi hồi nhớ về một Củ Chi đất thép mình đồng xưa…

Tìm người về lại Củ Chi

Tìm trong giọt nắng những gì mùa thu

Ngỡ ngàng nghe tiếng ai ru

Câu ca thành khúc tương tư bao giờ?